
Phát hiện mới này có thể mở đường cho các phương pháp điều trị mới cho dị ứng thực phẩm, nhạy cảm và các rối loạn như bệnh celiac - Ảnh minh họa: Cpdonline.co.uk
Theo Tân Hoa xã, phát hiện này làm sáng tỏ thêm về khả năng dung nạp qua đường miệng, tức khả năng của cơ thể trong việc nhận diện thức ăn là vô hại và ngăn chặn sự tấn công từ hệ miễn dịch.
Trong thời gian dài, các nhà khoa học tin rằng một số tế bào miễn dịch được gọi là tế bào đuôi gai (dendritic cell) chịu trách nhiệm cho khả năng dung nạp đường miệng. Tuy nhiên, ngay cả khi những tế bào này bị loại bỏ trong các nghiên cứu trên động vật, cơ thể vẫn dung nạp thức ăn.
Trong công trình được công bố trên tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu tại WIS vừa xác định một nhóm tế bào miễn dịch khác, được gọi là tế bào ROR-gamma-t, mới là động lực thực sự của quá trình này.
Những tế bào hiếm này khởi động một phản ứng dây chuyền liên quan đến 4 loại tế bào khác nhau, giúp ngăn chặn các tế bào tấn công của cơ thể người - tế bào CD8 - phản ứng với thực phẩm.
Khi hệ thống này bị lỗi, cơ thể người có thể bị dị ứng thực phẩm, nhạy cảm hoặc những bệnh mà trong đó cơ thể vô tình tấn công các protein thực phẩm, chẳng hạn như gluten.
Hằng ngày hệ thống quan trọng trên ngăn chặn thức ăn gây viêm nhiễm, trong khi vẫn cho phép hệ miễn dịch chống lại các bệnh nhiễm trùng.
Bước đột phá này có thể mở đường cho các phương pháp điều trị mới đối với dị ứng thực phẩm, nhạy cảm và các rối loạn như bệnh celiac (bệnh không dung nạp gluten).
Với việc hiểu rõ cách thức hoạt động của hệ thống này, các nhà khoa học hy vọng có thể khắc phục các vấn đề khi cơ thể tấn công nhầm thức ăn.
Các nhà nghiên cứu còn phát hiện rằng trong quá trình nhiễm trùng, hệ miễn dịch có thể tạm thời gác lại việc dung nạp thực phẩm để tập trung tấn công và tiêu diệt mầm bệnh, trước khi được khôi phục lại như bình thường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận