
Tàu vũ trụ Starship thế hệ mới của Công ty SpaceX được gắn tên lửa đẩy Super Heavy trong chuyến bay thử nghiệm lần thứ 9 tại bãi phóng của công ty ở Starbase, bang Texas, Mỹ ngày 28-5 (giờ Việt Nam) - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, sáng 28-5 (giờ Việt Nam), tàu vũ trụ Starship của Công ty SpaceX đã gặp sự cố trong lần phóng thử nghiệm lần thứ 9, sau hơn 30 phút cất cánh từ bãi phóng Starbase, bang Texas (Mỹ).
Qua truyền hình trực tiếp từ trung tâm phóng của SpaceX, tầng trên của tàu Starship gặp sự cố rò rỉ nhiên liệu, khiến tên lửa mất khả năng điều khiển hướng bay, rơi vào trạng thái quay vòng không kiểm soát trong không gian.
SpaceX cũng cho biết do trung tâm điều khiển không thể duy trì hướng bay ổn định của tên lửa, nhiều khả năng tầng trên sẽ bị cháy rụi khi trở lại khí quyển trước khi rơi xuống vùng biển Ấn Độ Dương.
Một trục trặc khác cũng được ghi nhận trong lần phóng này là cửa thả 8 vệ tinh mô phỏng Starlink không mở được, khiến con tàu không thể hoàn thành các bài kiểm tra kỹ thuật.
Dù chưa hoàn toàn thành công, chuyến bay lần thứ 9 này đã đạt được một số cột mốc quan trọng như bay xa hơn so với hai lần bay thử gần nhất và sử dụng tên lửa đẩy tái sử dụng Super Heavy - tuy nhiên do mất kiểm soát nên đã rơi xuống biển thay vì hạ cánh theo kế hoạch.
Chuyến bay thử lần này diễn ra chỉ 4 ngày sau khi Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp phép trở lại cho chương trình Starship, sau gần hai tháng đình chỉ do sự cố từ hai vụ nổ trong các lần phóng hồi tháng 1 và tháng 3, gây gián đoạn các chuyến bay trong khu vực.
Ngoài ra tỉ phú Elon Musk - người sáng lập Công ty SpaceX - cũng không xuất hiện trong buổi phát biểu sau chuyến bay thử như dự kiến. Tuy nhiên đăng tải trên X, ông ghi nhận lần phóng này là “cơ hội thu thập nhiều dữ liệu tốt" và cam kết tăng tốc độ thử nghiệm, với ba lần phóng tiếp theo sẽ diễn ra nhanh hơn - mỗi 3 đến 4 tuần.
Mặc dù còn nhiều thách thức kỹ thuật, SpaceX vẫn giữ vai trò quan trọng trong chương trình không gian của Mỹ và được NASA giao phó sứ mệnh đưa con người trở lại Mặt trăng từ năm 2021. Đây cũng là mục tiêu trong tầm nhìn không gian dài hạn của ông Musk - đưa con người lên nhiều hành tinh khác trong Hệ Mặt trời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận