
Khám ngục triều Nguyễn ngày xưa, nay chỉ còn là mặt nước xanh rì - Ảnh: THÁI LỘC
"Ai đã qua một lần cửa ải đó thì không hy vọng bước qua ngưỡng cửa lần thứ hai hòng tránh chiếc áo quan hoặc sự dẫn dắt của kẻ đao phủ tiến về giá treo cổ" - linh mục M. Miche, người từng bị giam tại khám ngục triều Nguyễn từ tháng 12-1842 đến tháng 3-1843, viết thư gửi anh trai như thế.
Soi trong mặt nước xanh rì
Khám ngục triều Nguyễn được quan tâm đặc biệt, vì là nơi giam cầm xương sọ của Hoàng đế Quang Trung suốt mấy mươi năm. Điều kỳ lạ là cả giám ngục lẫn tù nhân xem phần hài cốt nhà Tây Sơn là những thần linh để cúng xin phò trợ mỗi ngày.
Tại góc tây Kinh thành, chúng tôi đi hết con hẻm cuối đường Trần Quốc Toản là đến con đê khá cao ngăn cách giữa hai cái hồ. Phía bắc là hồ Bèo, tên chữ là hồ Hữu Bảo. Còn bên trái chính là hồ Khám - tức khám ngục dành cho tử tù của triều Nguyễn xưa. Hồ Khám hình chữ nhật, rộng khoảng 2ha, nước hiện sâu hơn 2m. Khả năng ngày xưa, khám ngục nằm ngay giữa lòng hồ xanh thẳm này.
Năm 1914, linh mục J. B. Roux, nhà truyền giáo đến từ Paris, cho rằng quần thể khám ngục này được xây từ cùng lúc với Kinh thành Huế năm 1804, và chấm dứt hoạt động kể từ sự biến kinh đô thất thủ 1885.
Ông diễn tả: "Khám đường có hình chữ nhật và có chiều dài 100m, chiều rộng 60m và có tường ngoài cao 4m. Các hướng đều theo hướng của kinh thành: chiều dài là hướng tây bắc - đông nam, chiều rộng hướng đông bắc - tây nam. Xung quanh có hào ngập nước và hàng rào tre không vào được. Muốn đi vào trong thành chỉ có một con đường có một cầu tre vắt sang hào".
Khá nhiều nhà truyền giáo phương Tây đã miêu tả sự khủng khiếp của khám đường triều Nguyễn. Linh mục Miche kể mình "bị xiềng xích và phải nằm trên đất ẩm ướt, trần truồng như thú vật bị lãng quên chờ chết".
Thậm chí có người ví câu thơ khắc trên cửa vào địa ngục trong Thần khúc của Dante "Hãy vứt lại mọi niềm hy vọng" đáng để đặt trên cửa của khám ngục.
Theo lời diễn tả, ngục thất là những cái lán lợp ngói.
"Mỗi cái lán ấy chia làm 2 gian, trên và dưới. Phần trên cao hơn mặt đất độ 1,3m là một phòng rộng có bít ván và chỉ có 1 cửa chính. Không bao giờ có ánh sáng lọt vào vì cửa thông độc nhất này luôn đóng kín khi tù nhân bị nhốt vào.
Ban ngày, những người bị giam gian dưới, trên đất, mỗi người chỉ có một manh chiếu và chẳng có gì để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt cả trong bốn mùa"...
Thực địa đầu thập niên 1980, chúng tôi còn thấy hòn đảo hình vuông nằm giữa hồ Khám. Hồi đó, những đợt hè khô hanh, đảo nổi lên so với mặt nước trong khoảng gang tay. Còn lại thì nằm lấp xấp.
Ông Lê Văn Huế, nhà sống cạnh hồ Khám, cho hay khoảng giữa thập niên 1980, Nhà nước đã cho nạo vét hồ Khám để làm ao cá giống cho Vườn ươm Tây Lộc.
"Hồi nớ Nhà nước đã huy động quân đội, công an, sinh viên và nhân dân đến đào đất trong lòng hồ để đắp bờ xung quanh lên cao để làm hồ nuôi cá. Khi đào đất (giữa hồ) lên, có sắt, có gỗ, nhiều lắm, có những trái bi sắt to như quả tạ rứa đó!"...

Hồ Khám nằm ở góc phía tây Kinh thành Huế nhìn từ trên cao - Ảnh: NHẬT LINH
Nơi giam phần cốt nhà Tây Sơn
Một số ghi chép và lời kể của người dân sống lân cận cho rằng khu vực phía đông của hồ Khám, nay là Trường tiểu học Tây Lộc, chính là ngục thất giam giữ xương sọ các hoàng đế nhà Tây Sơn. Gắn liền với ngục thất này là nơi cúng bái của cả cai ngục lẫn tử tù bị giam cầm.
Sử Nguyễn ghi rằng sau khi giành được vương quyền, vua Gia Long sai áp dẫn Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Quang Duy và Nguyễn Quang Thiệu ra cửa thành, xử án lăng trì. Dùng 5 con voi, 1 con buộc vào đầu, 4 con buộc vào 4 tay chân rồi điều khiển voi đi 5 hướng để xé xác.
Phần đầu của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Quang Toản cùng thần chủ của vợ chồng Nguyễn Huệ bị giam vào Nhà Đồ Ngoại phía nam Kinh thành. Đến năm Minh Mạng thứ 2 (1821) thì chuyển về giam lâu dài tại khám ngục.
Tác giả Nguyễn Đình Hòe, phó hiệu trưởng Trường Hậu Bổ triều Nguyễn đầu thế kỷ 20, viết: "Lên ngôi vua lấy hiệu là Gia Long, đến lễ tại Hoàng cung, đại lễ này gọi là "hiến phù". Trong lễ này chúa ra lệnh đào mả của các vua Tây Sơn: Nguyễn Văn Nhạc, Nguyễn Văn Huệ. Thi hài còn lại đem giã và phân tán trong gió. Còn ba sọ của hai "loạn quân" này để lại và đem nhốt vào ngục thất giấu vào trong các lọ.
Theo người kể lại câu chuyện xưa thì lúc ấy ở khám đường có ba lọ. Hai lọ đầu là đựng sọ của Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ. Còn lọ thứ ba thì đựng thi hài của Nguyễn Văn Lữ hay là của Nguyễn Quang Toản, người ta không biết chắc. Ba lọ này đề đặt trong ba lồng khác nhau trong khám đường. Ba lọ bị xích xiềng và cửa của các lồng ấy đều niêm phong. Và mỗi tháng có một lần kiểm tra khóa do một đoàn kiểm tra đặc biệt".
Tù nhân cũng là thần linh
Điều hết sức lạ lùng, xương sọ của Hoàng đế Quang Trung vốn là "tù binh", tội nhân đặc biệt của triều đình, lại được cả giám ngục lẫn tử tù coi là đấng linh thiêng, cúng bái, cầu khấn mỗi ngày.
Tác giả Nguyễn Đình Hòe viết: "Các lọ ấy đều cúng riêng đặc biệt để lính cầu khẩn được giúp đỡ một cách có hiệu quả công việc cai quản khám đường, cũng như tìm kiếm các tù nhân trốn ngục thất. Về phía tù nhân, họ cho rằng linh hồn các tướng lĩnh Tây Sơn (mà hài cốt bỏ trong các lọ và cũng bị xiềng xích như họ) là những vong hồn và những thần linh được họ thờ cúng để phù hộ cho họ bớt khổ trong lao tù. Những vò ấy được gọi là "Ông Vò" hay "Chúa Ngụy". Các vò ấy biến mất khi thất thủ Huế, bị tù nhân vượt ngục đem theo".
Ngay trong nội cung triều Nguyễn cũng tin và đồn thổi sự linh thiêng của phần hài cốt nhà Tây Sơn.
Ông Nguyễn Đình Hòe cũng ghi chép lời kể của các bà nội cung triều Nguyễn rằng: vua Đồng Khánh từng bị hài cốt nhà Tây Sơn hiện ra hăm dọa và trở thành nguyên nhân lâm bệnh và băng hà của nhà vua.
Sự việc tương tự với vua Thành Thái: "Lúc còn thơ ấu, khám phá vò ấy (có thể ở khám đường hoặc trong hoàng cung) cũng bị thất đảm vì bóng ma của Tây Sơn muốn báo thù, đã làm cho sức khỏe của vị vua trẻ bị mòn mỏi và tàn tạ dần".
Tác giả J. B. Roux, chứng kiến khám ngục tử tù lẫn nơi giam giữ phần cốt Tây Sơn đã đổ nát nhưng "giữa đám cỏ hoang ấy còn lại một cái nền cao độ 80cm. Người ta nói đó là bàn thờ trong thời kỳ khám đường còn sử dụng.
Đây có phải là nơi mà tù nhân cầu nguyện các đấng linh thiêng phù hộ cho họ lúc lâm nguy chăng? Nhưng chắc là của quân lính dựng lên để cầu mong thần thánh giúp cho họ giữ tù".
Ông Lê Văn Huế cho biết cái "bệ thờ cổ" ấy tồn tại đến khoảng cuối thập niên 1980, sau đó bị phá dỡ đi khi Nhà nước cho mở rộng xây dựng Trường tiểu học Tây Lộc...
"Xưa kia, lính canh gác lao tù cũng có những vị thần linh của họ. Đó là các tù nhân quan trọng: ba anh em phiến loạn nhà Tây Sơn suýt đã tiêu diệt nhà Nguyễn và đã bị Gia Long, sau khi chiến thắng, đào thi hài lấy ba đầu nhốt vào ba cái hũ, được khóa chốt cẩn thận và đặt vào trong lao nhà nước. Các vong linh bất hạnh này cũng được các cai ngục và tù nhân cầu nguyện và cúng bái. Tù thì mong các thần phò hộ để bớt phần đau khổ, và để làm hiền dịu bớt những người cai ngục. Cai ngục thì cầu thần gác tù giùm cho họ, và cần đến thần hơn nữa khi có tù bỏ trốn" - L. Cadière, B.A.V.H. 1916.
**************
Hai pho tượng cổ quý được cho là của Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Thành, được gắn với bao chuyện linh thiêng, thần kỳ. Tượng thờ ở miếu Đá Hờn, số 2 đường Nhật Lệ, gần trung tâm Kinh thành Huế.
>> Kỳ tới: Đá Hờn linh thiêng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận