
Đàn Xã Tắc triều Nguyễn ngày nay - Ảnh: NHẬT LINH
Đó là đàn Xã Tắc, nơi cúng tế thần Đất và thần Lúa, một hoạt động thiêng liêng và quan trọng bậc nhất của hoàng triều Huế xưa.
Cảm xúc thiêng liêng
Đầu tháng 3-2008, khi hay tin việc khai quật khảo cổ học ở đàn Xã Tắc đã đến đoạn đất nhiều màu, tôi đến ngay công trường trong một trạng thái cảm xúc đặc biệt khó tả.
Trên diện tích 2.500m2 được khai quật lúc ấy xuất lộ phần bó của tầng một - tầng đàn chính, làm bằng gạch vồ dày 0,8m, hình vuông, mỗi cạnh dài hơn 30m, giữa bốn cạnh là bốn bậc cấp đi lên. Kết cấu móng cũng xuất lộ với khoảng 12 lớp vật liệu như vôi, cát, đất sét và gạch ngói vỡ nén chặt.
Điều đặc biệt hơn cả, tại một hố khai quật là sự xuất lộ nhiều lớp đất khác màu nhau. Trưởng đoàn khai quật lúc ấy là nhà khảo cổ Nguyễn Tuấn Lâm, nói trong trạng thái xúc động: "Từ đây chúng tôi xác định nền tầng một được cấu tạo bằng nhiều lớp đất khác nhau được đầm một cách rất công phu, mỗi lớp dày khoảng 15cm.
Đây quả thật là điều gây xúc động cho chúng tôi vì đã xác định rõ từng phần đất sạch trên nhiều miền của Tổ quốc đóng góp về đây để lập nên đàn này; và cũng từ đây mới thấy tầm quan trọng của ngôi đàn đối với đất nước như thế nào...".
Tầng hai cũng hình vuông mỗi cạnh dài 74m, phần bó tạo bởi lớp đá gan gà chồng lên nhau dày 1,7-1,8m. Nền tầng hai gồm sáu tầng đất khác loại nằm chồng lên nhau theo chiều ngang.
Cùng với bia "Thái xã chi thần" đang tồn tại, một chân bia đá thanh lớn cũng được phát hiện kèm theo rất nhiều hiện vật là chân tảng đá thanh và đá gan gà dùng để cắm tàn, lọng, cờ... nằm rải rác trong khu vực...
Gần 20 năm đã qua, nhưng kiến trúc sư Phùng Phu, lúc ấy là giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, vẫn nhớ như in: "Hồi đó, tôi tới đàn Xã Tắc thấy sự xuất lộ phần đất của cả nước rất rõ.
Ngoài các tầng đất các màu khác nhau nén chặt, bề mặt của đàn cũng thể hiện rất rõ cả 5 màu theo các hướng đông, tây, nam, bắc và trung tâm đúng theo ghi chép của sử liệu. Lúc đó tôi thấy xúc động lắm, thấy nó linh thiêng lắm.
Sự xúc động, cảm giác giống như vững bền của đất nước, của dân tộc. Đúng là cảm xúc thiêng liêng thực sự!".
Đất của cả nước
Đàn Xã Tắc được khởi xây tháng 3 năm Gia Long thứ 5 (1806), để thờ cúng thần Đất (Xã) và thần Lúa (Tắc).
Sách Đại Nam thực lục ghi: "(vua) sai các thành và dinh trấn đều phải cống đất địa phương để đắp. Đàn làm hai tầng (tầng thứ nhất cao 2 thước, vuông mỗi chiều 15 trượng; tầng thứ 2 cao 1 thước 5 tấc, vuông mỗi chiều 29 trượng. Chu vi hai tầng đều có lan can, ngoài trồng cây, xây tường chung quanh).
Tầng thứ nhất để tế thần Thái Xã, Thái Tắc (đều hướng về bắc), bên hữu phối thờ thần Hậu Thổ Câu Long thị, bên tả phối thờ Hậu Tắc thị (đông tây hướng vào nhau); tầng thứ hai thì phía tây bắc đặt sở Ế Khảm.
Sai Chưởng quân Phạm Văn Nhân trông coi công việc. Rồi sai Bộ Lễ bàn định về phép thờ tự, mỗi năm cứ ngày mậu về tháng trọng xuân và trọng thu thì tế. (Tháng trọng xuân thì ngày mậu sau ngày tế Nam giao, tháng trọng thu thì ngày mậu đầu tháng)".
Điển chế nhà Nguyễn cho biết các dinh trấn được lệnh chọn và lấy một lượng đất cụ thể. Triều đình cho thuyền chở về kinh đô để đắp lên đàn: "Các dinh trấn đều cống hiến đất sạch và chắc. Dinh Quảng Đức (nay là phủ Thừa Thiên) 100 khiêng.
Các dinh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Bình Hòa, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa mỗi dinh 50 khiêng. Trấn Thuận Thành 1 khiêng. Bốn dinh Phiên An (nay là tỉnh Gia Định), Biên Hòa, Vĩnh Thanh (nay là tỉnh Vĩnh Long) mỗi dinh 50 khiêng.
Trấn Hà Tiên 2 khiêng. Đối với Bắc Thành: năm trấn ở trong mỗi trấn 50 khiêng; sáu trấn ở ngoài mỗi trấn 1 khiêng, phái thuyền ra giải về Kinh xây đắp".
Cũng theo sử liệu triều Nguyễn, đất sạch của từng địa phương được chở về cũng được phân ra thành 5 (nhóm) màu rồi đắp lên đàn từng lớp theo Ngũ hành.
Sách Đại Nam nhất thống chí thời Tự Đức ghi: "Đất đắp đàn dùng đất ngũ sắc, sắc đất theo từng phương (ở giữa đàn đắp đất sắc vàng, phương đông đắp đất sắc xanh, phương tây sắc trắng, phương nam sắc đỏ, phương bắc sắc đen". Sách này ghi thêm việc trồng cây: "Chung quanh xây lan can, khu đất vuông ngoài đàn trồng cây thông, cây xoài và cây mù u".

Lễ tế Xã Tắc được tổ chức đều đặn tháng 2 âm lịch hàng năm - Ảnh: Trung tâm BTDTCĐ Huế cung cấp
Biểu tượng thống nhất
Thời Nguyễn, lễ tế Xã Tắc được tổ chức mỗi năm 2 lần, vào mùa xuân và mùa thu. Lễ tế này được xếp hàng đại tự, cách 3 năm, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, nhà vua đích thân đến làm lễ. Sau khi nhà Nguyễn cáo chung, tế lễ không còn, đàn Xã Tắc rơi vào cảnh hoang phế.
Chính quyền Sài Gòn đã lấy gần trọn tầng 2 của khu đàn để dựng khu gia binh là những dãy nhà gỗ lợp tôn làm nơi ở cho vợ con quân nhân chế độ cũ. Chiến trận Mậu Thân - 1968 làm khu gia binh hư hại nặng nề.
Người ta xây lại 50 dãy nhà bằng bờ lô, mỗi dãy 10 căn theo lối "tập thể". Trong suốt hàng chục năm trời, khu vực đàn Xã Tắc trong cảnh một khu dân cư với hàng trăm hộ dân sống chật chội, nhếch nhác, nổi danh với nhiều "ổ tệ nạn"...
Đầu năm 2008, dự án phục hồi đàn Xã Tắc giai đoạn 1 được tiến hành. Cùng với giải tỏa một phần các hộ dân, công tác khai quật khảo cổ học ở khu vực tầng thứ nhất được tiến hành như đã đề cập.
Để phục hồi tầng đàn thứ nhất, những người có chức trách định gửi văn bản đến tất cả tỉnh thành đề nghị lựa chọn đất sạch để đưa về đắp lại đàn Xã Tắc. Công việc này xem ra khó thực hiện được, nên cơ quan chức năng đã "lệnh" cho chính quyền 8 huyện và TP Huế (cũ) chọn đất sạch mỗi địa phương chở về đắp đàn.
Vào tháng 6-2008, trong khuôn khổ Festival Huế 2008, lễ tế Xã Tắc đã được cử hành trọng thể tại đàn Xã Tắc. Từ đó đến nay, lễ tế Xã Tắc gần như được ấn định tổ chức định kỳ vào tháng 2 âm lịch hằng năm, cơ bản dựa theo nghi lễ được ghi chép trong điển chế triều Nguyễn. Lễ tế ngày nay, ngoài là "một sản phẩm du lịch", nhà tổ chức luôn cho rằng để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, dân chúng ấm no...
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đại Vinh, thời nay hoàn toàn không nên tổ chức tế Xã Tắc: "Thời ấy nông nghiệp kém cỏi, người ta cầu thần đất và thần lúa phù hộ cho mùa màng tốt tươi. Ngày nay, nông nghiệp đã chịu sự tác động của khoa học hiện đại, đâu còn phụ thuộc vào mấy trò cúng tế.
Đó là chưa nói đến việc biến nhân dân tin vào những điều hoang đường. Đến nay mà vẫn còn đi cầu cúng là hoang đường. Theo tôi, chỉ nên bảo vệ, tôn tạo nó như là một di tích, trong đó ý nghĩa tượng trưng cho ý niệm thống nhất, chứ không nên cúng tế theo hình thức mê tín như hiện nay".
"Đối với đàn Xã Tắc, theo tôi, chỉ nên khai thác khái niệm thống nhất, biến thành điểm tham quan đặc biệt cho người dân cả nước, làm sao để người dân biết rằng đất sạch của quê hương họ đã được đưa về đây xây dựng một nền đàn tượng trưng cho đất nước.
Rất nên lái chữ Xã Tắc theo nghĩa mở rộng, chuyển ra khái niệm đất nước, gắn với Sơn Hà Xã Tắc. Chúng ta có thể khai thác góc độ cổ vũ tính thống nhất ấy" - nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh.
-----------------------
"Ai đã qua một lần cửa ải đó thì không hy vọng bước qua ngưỡng cửa lần thứ hai hòng tránh chiếc áo quan hoặc sự dẫn dắt của kẻ đao phủ tiến về giá treo cổ". Linh mục M. Miche, người từng bị giam tại khám ngục triều Nguyễn từ tháng 12-1842 đến tháng 3-1843, viết thư gửi anh trai như thế.
Kỳ tới: Khám ngục giam vua
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận