
Các nhân viên tại quán bánh mì Mụ Ý phải làm liên tục để kịp bán bánh cho khách - Ảnh: THƯỢNG KHẢI
Quán Mụ Ý nằm trong con hẻm 147/49 đường Tân Kỳ Tân Quý, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.HCM.
Bên cạnh bán bún hến, bánh canh vào sáng sớm, món ăn gây chú ý nhất ở quán Mụ Ý là bánh mì bột lọc với giá 15.000 đồng, mở cửa từ 13h - 19h mỗi ngày nên nơi đây là chỗ ăn trưa và ăn xế của người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên..
Tên quán "Mụ Ý" khiến nhiều thực khách không khỏi bất ngờ khi lần đầu ghé thăm. Ai cũng nghĩ chủ quán hẳn là một người phụ nữ lớn tuổi, theo cách hiểu phổ biến của từ "mụ" - cách gọi thân thương dành cho người phụ nữ đứng tuổi ở Huế.
Thực tế, chị Nguyễn Thị Như Ý chỉ mới 28 tuổi. "Mụ Ý" là biệt danh từ nhỏ của chị ở quê, nên chị lấy luôn làm tên quán để giữ nét gần gũi, thân tình.
Bánh mì bột lọc đậm hương vị Huế
Chị Như Ý chia sẻ với Tuổi Trẻ Online: "Tôi bắt đầu bán bánh mì bột lọc từ năm 2020. Hồi trước, ở Sài Gòn hiếm ai bán món này lắm. Hai vợ chồng tôi nghĩ mãi mới dám làm. Lúc đó chỉ là thử nghiệm thôi, làm ít lắm, vì không biết có hợp khẩu vị người Sài Gòn không.
Nhưng may mắn là nhiều người Huế sống xa quê, họ nhớ hương vị xứ mình nên đến ăn thử. Rồi họ giới thiệu dần dần, khách bắt đầu đông lên lúc nào cũng không hay".
Phần vỏ bánh được giữ nguyên kiểu dáng truyền thống là loại bánh mì nhỏ, dài, có lớp vỏ nướng giòn tan, thơm bơ nhẹ. Khi cầm trên tay, bánh vẫn giữ được độ nóng hổi, thơm phức, khơi gợi vị giác ngay từ cái nhìn đầu tiên.


Một số nguyên liệu đặc trưng trong món bánh mì bột lọc - Ảnh: THƯỢNG KHẢI
Điểm đặc biệt nằm ở phần nhân bên trong: thay vì là thịt nguội, chả lụa hay pate như thường thấy, người bán kẹp vào ổ bánh từ 3 - 5 chiếc bánh bột lọc nhân tôm thịt. Những chiếc bánh bột lọc nhỏ xinh, dai dai, nhân tôm rim mặn ngọt hòa quyện trong lớp bột trong suốt khiến món ăn vừa lạ miệng vừa vui mắt.
Không thể thiếu là phần nước mắm chan đậm đà. Thường là loại nước mắm hơi ngọt pha cùng tỏi, ớt, đôi khi thêm chút mỡ hành hoặc hành phi để tăng mùi thơm và độ béo. Chính phần nước mắm này giúp kết nối hương vị giữa phần bánh mì giòn và bánh bột lọc dẻo, tạo nên tổng thể hài hòa.
Ngoài ra, bánh mì bột lọc còn có thể được thêm rau răm, đồ chua, dưa leo, thịt xíu hay pate để cân bằng hương vị.
Cận cảnh ổ bánh mì bột lọc ăn kèm thịt xíu có giá 15.000 đồng - Video: THƯỢNG KHẢI
Ẩm thực đường phố Việt Nam là sự bình dị, sẻ chia
Theo chị Ý, ai ăn cũng bảo "giống quê nhà lắm", "ăn vào thấy nhớ Huế"... Hầu hết nguyên liệu đều nhập từ Huế vào, vợ chồng chị tự làm hết, tuy cực mà vui, nhờ đó giữ nguyên được hương vị truyền thống đặc trưng.
Trung bình mỗi ngày quán bán từ 600 - 700 ổ bánh mì. Để kịp giờ bán, từ 8h sáng là anh chị bắt tay vào kho thịt, luộc bánh lọc, phi hành, làm ớt, tóp mỡ, pha nước mắm...
Nét đẹp của ẩm thực đường phố ở Việt Nam nằm ở sự bình dị, sẻ chia và dễ tiếp cận. Nhiều khi người dân chỉ cần ghé xe lề đường, đá chống và chừng hai phút sau có ổ bánh mì nóng hổi trong tay.

Người dân tấp nập mua bánh mì Mụ Ý mang về - Ảnh: THƯỢNG KHẢI
Dù giờ giá thịt, nguyên liệu tăng nhiều, chị vẫn giữ giá 15.000 đồng. "Vì tôi hiểu thời buổi khó khăn, ai cũng phải tiết kiệm. Tôi giữ giá để giữ khách" - chị Ý nói.
Chị Phước Linh cho biết: "Tôi là khách quen của quán mấy năm nay. Con gái tôi thường đòi mua bánh mì bột lọc ở đây ăn lót dạ mỗi khi tan học về. Thịt mềm ngon đậm đà, có chan kèm nước mắm ăn vừa vị".
Trong hội nhóm review ẩm thực, anh Thân Công Báo chia sẻ: "Quận 1 có bánh mì Huỳnh Hoa còn ở Tân Phú có bánh mì Mụ Ý, muốn ăn thì phải xếp hàng chờ đến lượt. Bánh mì rất ngon, thịt xíu ướp đậm đà, chuẩn vị Huế".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận