23/05/2025 05:25 GMT+7

Thu tiền rác theo khối lượng: Phải giúp hiểu đúng chuyện 'cân mà không cân'

Thông tin TP.HCM sẽ thu phí tiền rác theo kilogam (kg) đang tạo ra nhiều băn khoăn. Nhiều người đang hiểu chưa đúng tinh thần này nên nghi ngại: tôi không có mặt ở nhà làm sao cân, hoặc lo người khác bỏ rác qua nhà mình…

tiền rác - Ảnh 1.

Rác thải ở Hội An (Quảng Nam) được thu gom trong bao tính khối lượng từ năm 2024 - Ảnh: B.D.

Phản ứng ấy phản ánh việc người dân đang cảm thấy thiếu thông tin. Theo hiểu biết của tôi, nếu những điều dưới đây là đúng thì việc tuyên truyền về chủ trương thu tiền rác theo kg phải được thực sự quan tâm kỹ càng hơn.

"Cân" rác để làm gì?

Việc "cân" rác trong giai đoạn hiện tại có thể hiểu là một bước chuẩn hóa và số hóa dữ liệu chất thải - một phần thiết yếu của quy trình quản lý đô thị hiện đại. 

Cụ thể, thông qua việc "cân" - mà nói đúng là ước lượng được khối lượng rác sẽ giúp xác định chính xác khối lượng rác phát sinh theo khu vực, thời điểm. 

Từ đó sẽ điều chỉnh lộ trình xe rác, nhân sự, tần suất thu gom; phân bổ chi phí vận hành cho các đơn vị phụ trách môi trường một cách thực chất, minh bạch hơn.

Đây là điều từ lâu các đô thị lớn trên thế giới đã làm như một phần trong quá trình quản trị dữ liệu đô thị. 

Không thể vận hành một thành phố 10 triệu dân chỉ bằng ước lượng chủ quan hay báo cáo định tính như chúng ta đã làm bấy lâu nay nữa.

Thế nhưng, nếu không được truyền đạt đúng, người dân có thể bị hiểu sai thành dấu hiệu cho một chính sách tận thu. 

Và khi người dân chỉ thấy hành động (chiếc cân) mà không được giải thích về mục tiêu (quản lý), thì sự hoài nghi là điều dễ hiểu. Từ đó còn sinh ra những băn khoăn khác nữa.

"Cân" là bước đầu, cần nói rõ bước tiếp theo

Như vậy, việc "cân" rác có thể xem là một bước chuẩn bị hạ tầng dữ liệu cần thiết nếu thành phố muốn tiến tới chính sách thu phí công bằng hơn dựa trên lượng rác thực tế và áp dụng cơ chế khuyến khích phân loại rác tại nguồn, giảm tải cho khâu xử lý. Từ đó ngầm "giao" trách nhiệm rõ ràng hơn cho từng hộ gia đình, khu dân cư, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điều cốt lõi là: nếu đây là bước chuẩn bị cho một cơ chế tính phí mới thì càng cần truyền thông sớm, đầy đủ thay vì kiểu mơ hồ, tạo nghi hoặc bằng cảm giác bị động của người chịu phí.

Tôi tin rằng đô thị sạch sẽ không thể có nếu vẫn duy trì kiểu gom rác đồng giá, không phân loại, không đo lường, không trách nhiệm cụ thể. 

Tuy nhiên, để người dân có thể đồng hành, chiếc "cân" ấy phải được đặt trong một bối cảnh chính sách minh bạch. 

Đó phải là "cân để biết" - biết số liệu, biết nhu cầu, biết ai đang làm tốt hay chưa - chứ không phải "cân để phạt", cân để gây căng thẳng giữa người dân và hệ thống.

Ai xả nhiều rác thì trả nhiều hơn, điều đó không sai. Nhưng điều đúng hơn là: hãy để người dân tự nhận thấy lợi ích của việc giảm rác, phân loại rác, chứ đừng khiến họ chỉ nghĩ về một cái cân lạnh lùng và một hóa đơn lửng lơ trong tương lai. 

Nếu chưa làm được việc này, tức là khâu truyền thông chưa tốt.

Vậy tính kg thế nào? Chế tài ra sao?

Đến lúc này, có thông tin dự kiến sẽ thu tiền rác theo hộ (tính theo đầu người) - một hình thức ước lượng khối lượng rác. Tuy nhiên giải pháp này khi đem vào thực hiện chắc lại sinh ra nhiều băn khoăn khác. 

Với cách này khó mà tính chính xác hộ nào xả nhiều rác hơn hộ nào vì lối sống và nếp sinh hoạt khác nhau. Rồi ai biết chính xác được số người trong hộ (cho thuê trọ, tạm trú, khai báo không trung thực). 

Tính tiền rác theo đầu người chỉ là cách chia đều... cho dễ làm. Nhưng "dễ làm" thì thường đi kèm với "bất công", nhất là khi nó không đụng gì đến bản chất hành vi sinh ra rác.

Việc quay về nguyên tắc ban đầu là cần phân loại rác có thể lại là giải pháp tốt nhất. Ví dụ, hộ nào phân loại đúng được giảm phí hoặc được cấp túi rác (như Hội An đang làm) miễn phí để xử lý rác. 

Từ đây sẽ dẫn đến một việc quyết liệt hơn là hộ nào không phân loại, vứt rác bừa thì bị phụ thu hoặc từ chối thu gom.

Tôi có kinh nghiệm... hai năm vứt rác ở Nhật Bản. Ở đó, rác trước hết phải chia làm hai loại là rác tươi, rác có thể đốt được và rác tái chế chỉ được thải ra theo ngày quy định trước (thứ nào trong tuần). 

Các loại rác nguy hiểm như đồ điện nhỏ, kim loại... thì hai tuần được gom một lần. Với đồ điện, đồ gia dụng có kích thước lớn thì phải mua tem (có giá cả theo quy định) dán vào đồ dùng, hẹn ngày đơn vị thu gom đến mới được "thải" ra.

Rác thải được quy định đựng trong các túi nilông có độ trong suốt nhất định, để đơn vị thu gom rác nhìn thấy trong túi là loại rác nào. Do đã có quy định kỹ càng nên cách xử phạt dành cho việc không phân loại rác, thải không đúng ngày chính là... không được thu gom.

Hội An đã làm, và làm được

Thu tiền rác theo khối lượng: Phải được hiểu đúng chuyện 'cân mà không cân' - Ảnh 2.

Người dân Hội An mua túi rác theo chuẩn quy định của TP, với mức giá gắn liền với dung tích túi - Ảnh: B.D.

TP Hội An (Quảng Nam) đã thực hiện chính sách thu phí rác công bằng này một cách bài bản, linh hoạt và thuyết phục.

TP này đã triển khai việc thu phí rác theo lượng phát sinh, thể hiện rất dễ hiểu qua các bước:

* Người dân mua túi rác theo chuẩn quy định của TP, với mức giá gắn liền với dung tích túi.

* Các hộ sử dụng túi to hơn đương nhiên phải trả nhiều hơn. Hộ nào biết phân loại và giảm thiểu rác thì mua túi nhỏ, giảm chi phí và tăng ý thức môi trường.

Hệ thống này không dùng "cân", nhưng vẫn đạt được nguyên tắc "xả nhiều trả nhiều".

Điều quan trọng là: Hội An truyền thông rất rõ, phối hợp với tổ dân phố, tổ rác, và thậm chí cả trường học, để đảm bảo người dân hiểu chính sách và thấy được quyền lợi đi kèm nghĩa vụ.

Thu tiền rác theo khối lượng: Phải được hiểu đúng chuyện 'cân mà không cân' - Ảnh 3.Thu tiền rác theo kg sao cho hợp lý?

UBND TP.HCM vừa ban hành quy định về giá với việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt (tiền rác), áp dụng từ ngày 1-6.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên