
Cán bộ y tế cấp thuốc cho người bệnh tại một trạm y tế ở TP.HCM - Ảnh minh họa: TIẾN QUỐC
Sau bài viết "Cấp thuốc cho người bệnh 2 tháng/lần, đừng chần chừ nữa", đã có rất nhiều ý kiến bạn đọc phản hồi. Đa phần người dân đều bày tỏ đồng tình với đề xuất tăng thời gian cấp thuốc cho bệnh mạn tính.
Đẩy xe lăn đi tái khám để được cấp thuốc theo toa thuốc cũ
Đặc biệt là người cao tuổi mắc bệnh mạn tính như huyết áp, tiểu đường, tim mạch… đang mỏi mòn vì phải mỗi tháng một lần xếp hàng từ sáng sớm, chỉ để lấy đúng toa thuốc cũ như tháng trước.
"Tôi bị huyết áp cao, đơn thuốc y chang, vậy mà mỗi 21 ngày lại phải đi từ 5h30 sáng để khám, mà thật ra đâu có khám gì!" - độc giả hoac**@yahoo.com.vn** chia sẻ.
Bạn đọc tên Trọng bày tỏ: "Tháng nào tôi cũng đi khám bệnh, lấy thuốc. Nói là khám chứ thực sự chỉ đo huyết áp chứ khám gì đâu, sau đó bác sĩ cho thuốc 28 ngày.
Nên cho thuốc 60 ngày hoặc 90 ngày với các bệnh nhân bệnh mạn tính như huyết áp, tiểu đường..., vừa giảm chi phí cho bệnh viện, cho bác sĩ và cho bệnh nhân".
Một bạn đọc khác cho biết "người cao tuổi mắc nhiều bệnh, vì vậy mỗi lần khám phải đi nhiều khoa.
Thế nhưng thực tế nơi tôi khám bảo hiểm y tế, hồ sơ những người bệnh này chỉ cần đưa vào, nhân viên y tế sẽ xem trên máy tính rồi in ra toa đưa bác sĩ ký cho đúng thủ tục, chứ hoàn toàn không có khám gì cả".
Nhiều người cho rằng "đề xuất này quá hay, chỉ có người già mới thấy rõ".
"Cứ mỗi tháng phải có người đẩy xe lăn, đưa bố mẹ đi tái khám mà chỉ để lấy thuốc cũ. Rất mong việc cấp thuốc 2-3 tháng/lần được triển khai sớm!" - bạn đọc Truc tha thiết.
Nhiều người dân ủng hộ, sao vẫn chần chừ?
Nhiều bạn đọc cũng đặt ra câu hỏi: "Nếu chủ trương tốt như thế, tại sao vẫn chưa được thực hiện rộng rãi?".
Một số ý kiến chỉ ra những rào cản không hề nhỏ về an toàn điều trị, rủi ro lãng phí thuốc và các quy định về chi phí cấp thuốc tối đa trong 1 lần.
"Bệnh viện thu chi phí/lượt khám, nếu cho toa 2 tháng, họ sẽ mất đi nguồn thu này. Vậy bệnh viện có muốn thực hiện hay không?" - độc giả tên Dũng đặt câu hỏi.
Thêm vào đó, việc bệnh nhân có thể thay đổi tình trạng bệnh trong thời gian dài dùng thuốc khiến một số bác sĩ e ngại.
"Nếu bệnh nhân ăn mặn quá tay, huyết áp tăng vọt thì đơn thuốc 2 tháng trước không thể sử dụng, thậm chí gây nguy hiểm" - độc giả tên Trọng có ý kiến.
Và một trong những nguyên nhân được đưa ra là do bảo hiểm y tế khống chế chi phí tiền thuốc cho 1 lần cấp.
"Vì vậy nên xem lại và giải quyết sớm việc cho phép cấp thuốc dài ngày", bạn đọc Quang Tâm viết.
Một số bạn đọc cho rằng bài toán không hẳn là có nên hay không nên cấp thuốc dài ngày, mà là cần điều kiện gì để làm đúng và hiệu quả?
Nhiều ý kiến góp ý giải pháp cụ thể để đề xuất cấp thuốc 2 tháng/lần có thể thực hiện, như việc chỉ áp dụng với bệnh nhân có hồ sơ điều trị ổn định, tuân thủ tốt.
Có hệ thống giám sát từ xa, kết hợp với khám trực tuyến định kỳ. Cho bệnh nhân chọn lựa dịch vụ giao thuốc tận nhà, có thể thu phí thêm nếu cần.
"Cần có cơ chế khám video call qua Zalo, Facetime... gửi thuốc đến nhà, đặc biệt với người neo đơn, khó đi lại. Nếu có thu phí, cũng nên để người dân chọn" - độc giả tên Mai đề xuất.
Thậm chí có thể phát triển bác sĩ tham vấn từ xa được trí tuệ nhân tạo hỗ trợ, nhằm "giữ kết nối" giữa bác sĩ và bệnh nhân, đảm bảo không bỏ sót tình huống khẩn cấp.
Cấp thuốc dài ngày không chỉ là giảm gánh nặng cho bệnh nhân, mà còn là cơ hội để ngành y tế giảm tải hệ thống, tối ưu hóa nguồn lực và tiến tới chăm sóc y tế hiện đại, linh hoạt.
Nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam - Bộ Y tế - bệnh viện và cả người bệnh thì giải pháp này hoàn toàn có thể trở thành bước ngoặt trong chăm sóc bệnh mạn tính tại Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận