
Tổng thống Pháp Macron đánh trống sấm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du Đông Nam Á không phải ngẫu nhiên.
Chuyển hướng về châu Á
Trong hơn 5 tháng qua, Tổng thống Macron hầu như chỉ đến thăm các nước đồng minh phương Tây. Chính vì vậy chuyến đi Đông Nam Á đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế trong bối cảnh toàn cầu đang xuất hiện nhiều yếu tố bất định. Reuters nhận định chuyến đi cho thấy sự sẵn sàng tham gia mạnh mẽ hơn của Pháp vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Đây có thể là những chỉ dấu đầu tiên báo hiệu một nước Pháp đang tái xoay trục về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung, châu Á nói riêng.
"Những thách thức lớn nhất của thế kỷ này - khí hậu, kinh tế, địa chính trị - chỉ có thể được giải quyết thông qua sự hợp tác với các đối tác của chúng ta, và đặc biệt là với khu vực này của thế giới, một điểm giao quan trọng của thương mại toàn cầu, một cái nôi của đổi mới, tăng trưởng và công nghệ", Tổng thống Macron khẳng định trên mạng xã hội X ngay sau khi đến Việt Nam tối 25-5.
Theo giới quan sát quan hệ quốc tế, nhìn từ khía cạnh địa chính trị hay địa kinh tế, Pháp đều có lý do để tăng cường hợp tác với Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á và châu Á nói chung. Thông điệp chung mà Pháp muốn gửi đến các nước trong chuyến công du này là tôn trọng chủ quyền và quyền tự chủ.
Đại sứ Pháp phụ trách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ông Marc Abensour khẳng định chiến lược của Pháp là tìm kiếm giải pháp cho mọi thách thức ở khu vực thông qua cách tiếp cận hợp tác và đa chiều. Ngoài quốc phòng và an ninh, Pháp còn tập trung vào việc chống biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và thúc đẩy quản lý đại dương bền vững, y tế, giao thông.
"Trong mỗi lĩnh vực này, ưu tiên của chúng tôi là xây dựng "quan hệ đối tác chủ quyền" với các quốc gia trong khu vực. Các quan hệ đối tác này được thiết kế theo mục tiêu chung là giảm sự phụ thuộc và tăng cường khả năng phục hồi thông qua hợp tác giải quyết những thách thức chung", ông Abensour nhấn mạnh.
Đa dạng hóa đối tác
Với Việt Nam, Pháp muốn chứng minh mối quan hệ nhiều duyên nợ lịch sử có thể phát triển, trở thành hình mẫu cho hợp tác cùng thắng với các dự án mà Pháp có thế mạnh còn Việt Nam có nhu cầu như điện hạt nhân, đường sắt tốc độ cao. Tuy nhiên mặc dù giá trị thương mại tăng, thị phần của Pháp tại Việt Nam đã giảm trong những năm gần đây do hàng xuất khẩu vẫn còn bó hẹp trong một số lĩnh vực.
Giáo sư Pierre Journoud (Trường đại học Paul-Valéry Montpellier 3, Pháp và là thành viên cố vấn chuyến thăm Việt Nam của ông Macron) đánh giá tích cực về quan hệ song phương nhưng cho rằng hai nước vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng cường hợp tác.
Để giải quyết tình trạng này, cần có thêm các biện pháp thúc đẩy tìm hiểu thông tin giữa doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là đẩy mạnh vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đa dạng hóa ngành hàng.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển, ông Journoud cho rằng Pháp có thể đóng vai trò như một đối tác cung cấp các lựa chọn tin cậy. Kim chỉ nam của Pháp trong hợp tác với Việt Nam vẫn là các kỹ năng và bí quyết trong nhiều lĩnh vực như phát triển bền vững, khoa học công nghệ, giao thông vận tải.
Một ví dụ gần đây về sự sẵn lòng chia sẻ của Pháp là tuyến đường sắt tốc độ cao mà nước này hợp tác xây dựng tại Morocco. Trong đó không chỉ đảm nhận xây dựng mà Pháp còn đào tạo, chuyển giao mô hình quản lý và công nghệ để nhân lực sở tại làm chủ hoàn toàn trong tương lai.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Lê Hưng (Đại học Gustave Eiffel, Pháp) đánh giá Pháp là quốc gia phát triển mạnh về xây dựng cũng như quy hoạch đô thị. "Khả năng chuyển giao hợp tác quốc tế về lĩnh vực này giữa hai quốc gia là rất khả quan", ông nhận định. Những kết quả thực tiễn trong xây dựng và vận hành sẽ là những bài học quý báu đối với Việt Nam trong quá trình tự chủ công nghệ và vận hành hay duy tu, bảo trì sau này.
Bên cạnh đó Pháp cũng sẵn sàng chuyển giao công nghệ, ý kiến về quy hoạch đô thị cũng như cải tạo công trình, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số, các kiến thức mới nhất để gìn giữ các công trình cổ, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm tín chỉ carbon, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hợp tác toàn diện
Ngày 26-5, sau hội đàm, Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cùng chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác quan trọng.
Các thỏa thuận nổi bật như: Hợp đồng mua bán 20 tàu bay A330-900 giữa Vietjet và Airbus; Thỏa thuận chuyển giao công nghệ vắc xin tại Việt Nam giữa Sanofi Pasteur và Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam; Ý định thư hợp tác năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Kinh tế, Tài chính và Chủ quyền công nghiệp và số hóa Pháp; Dự án chống hạn, xói lở, ngập lụt thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh Ninh Thuận với khoản vay từ Cơ quan Phát triển Pháp; Dự án khai thác bến 7, 8 Lạch Huyện, Hải Phòng giữa Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Tập đoàn CMA-CGM...
Trong ngày 26-5, Tổng thống Pháp Macron đã đến đặt vòng hoa đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cũng cùng Tổng Bí thư Tô Lâm đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám và cùng Tổng Bí thư thăm khu di tích Phủ Chủ tịch, trồng cây hữu nghị tại đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận